28 tháng 9 2024

Nguyễn Bảo Sinh, nhà thơ dân gian

Trích trong tập Giăng lưới bắt chim của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp


Nguyễn Bảo Sinh, sinh năm 1940, sống trong một gia đình đã định cư nhiều đời ở Hà Nội. Thời trẻ, ông từng đi lính, từng là võ sư Judo. Từ trẻ đến già, Nguyễn Bảo Sinh chỉ ở số 30, ngõ 167 Trương Định (ngõ Bảo Sinh). Gần như suốt đời không hề chuyển dịch đi đâu, luôn ở cùng gia đình, xung quanh có vợ con, anh em, họ hàng, bè bạn nhưng ông luôn tự nhận mình là một tay sống trong giang hồ(!), một người tu tại gia(!). Nguyễn Bảo Sinh từng có hỗn danh là Sinh chó. Việc này duyên do từ chuyện có thật:

Hồi bé, vốn tính ngỗ ngược, thân phụ ông là cụ Nguyễn Hữu Mão (năm nay 95 tuổi, cũng là người rất hay thơ) có lần tức giận bảo rằng:

- Lớn lên thì chó nuôi mày!

Một lời là một vận vào! Lời nguyền của người cha tự nhiên vận vào số phận đứa con. Từ nhiều năm nay Nguyễn Bảo Sinh vẫn sống bằng nghề nuôi chó mèo cảnh, nuôi gà chọi, cũng có khi làm hậu cần cho các xới chọi gà khắp một vùng nội ngoại thành Hà Nội.

Làm thơ, nuôi chó, chọi gà

Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ

Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ

Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà!

Nguyễn Bảo Sinh khá điển hình cho một dạng nhà thơ dân gian vốn tồn tại từ xưa đến nay ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ dân gian thông qua hình thức nói vần được truyền khẩu nhiều khi biến thành ca dao, tục ngữ, thành lời các bài hát dân ca. Có thể nhận ra đặc tính chính của lối thơ này là ở chỗ luôn ngẫm sự đời để từ đó rút ra những kinh nghiệm sinh tồn, những kinh nghiệm sống. Việc ngẫm sự đời ấy dựa trên những quan sát trực tiếp ở những ngành nghề, ở những hoàn cảnh nhiều khi rất lạ lùng, hiếm có. Nhà thơ dân gian là người trực tiếp ở trong cuộc, trực tiếp lội xuống bùn để bắt những con cá chân lý trong cuộc sống. Yếu tố kinh nghiệm cá nhân không thể chia sẻ cho ai được đã làm nên nhiều sự bất ngờ và độc đáo của lối thơ này.

Khi yêu cái xích dưới chân

Thì xiềng xích ấy là thần Tự do!

 ***

Tự trói thì gọi là tu

Bị trói thì gọi là tù mọt gông!

 ***

Mê là mê theo cách mê của người

Ngộ là mê theo cách mê của mình.

 ***

Tự do sướng nhất trên đời

Tự lừa lại sướng hơn mười tự do!

 ***

Khi mê bùn chỉ là bùn

Ngộ ra mới biết trong bùn có sen

Khi mê tiền chỉ là tiền

Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm

Khi mê dâm chỉ là dâm

Ngộ ra mới biết trong dâm có tình

Khi mê tình chỉ là tình

Ngộ ra mới biết trong tình có dâm!

Lối nghĩ dân gian nôm na (nôm na là cha mách qué) dựa trên những nghịch lý oái oăm trong cuộc sống. Phát hiện ra những nghịch lý ấy, hiểu được nó khiến người ta nhiều khi lâm vào tình trạng dở khóc dở cười:

Con ta không phải của ta

Tai họa của nó mới là của ta

Của chìm của nổi trong nhà

Của ta rồi sẽ lại là của con

 ***

Vợ là thánh chỉ vua ban

Có sao dùng vậy không bàn đúng sai!

Làm thơ anh chỉ nghiệp dư

Hội thơ chuyên nghiệp họ chưa cho vào

Yêu em anh cũng nghiệp dư

Hội yêu chuyên nghiệp họ chưa cho vào!

Trong thơ của Nguyễn Bảo Sinh có yếu tố Phật giáo (mới chỉ là yếu tố Phật giáo chứ chưa phải là tư tưởng Phật giáo). Yếu tố thiền đôi lúc đã xóa đi những ranh giới thị phi trong cuộc đời gây nên những hiệu quả bất ngờ khá độc đáo:

Cùng chung một chuyến đò ngang

Kẻ thì sang bến người đang trở về

Lái đò lái mãi thành mê

Sang về chẳng biết mình về hay sang?

Không phải tự nhiên mà Nguyễn Bảo Sinh đặt tên cho những bài thơ truyền khẩu của mình là Huyền Thi. Điều ấy có phần nào đúng. Vì sao vậy? Vì tôi nghĩ thơ của Nguyễn Bảo Sinh chưa phải thơ thiền. Nếu là thiền thực thì trong nội dung thơ đương nhiên sẽ hết ý nghĩa sâu sắc hoặc không sâu sắc (sâu sắc cũng vô nghĩa lý mà không sâu sắc cũng vô nghĩa lý). Thơ của Nguyễn Bảo Sinh mới chỉ mang yếu tố thiền, đang tiến tới thiền. Đấy là thiền giả chứ chưa thiền thật. Sự thú vị của Nguyễn Bảo Sinh là ở đấy. Đấy cũng là nét đặc biệt của văn học dân gian, nghệ thuật dân gian. Tính không chuyên nghiệp nửa đời nửa đoạn của văn học dân gian, nghệ thuật dân gian gắn liền với đời sống và số phận nửa giăng nửa đèn của chính những người sáng tạo ra nó. Sự ỡm ờ, nhập nhằng giữa chân lý và phi lý, thực và ảo, thị và phi, hay và dở cứ lẫn vào nhau, huyễn vào nhau. Trên thực tế, đã có nhiều người coi thường, coi khinh thơ của Nguyễn Bảo Sinh là không ra gì, vớ vẩn, nửa đời nửa đạo, nửa nạc nửa mỡ. ở những bạn đọc tuân theo nguyên tắc bất nhị thì sự phản ứng của họ cũng rất dễ hiểu. Họ không biết rằng văn học dân gian, nghệ thuật dân gian hình thành ở chính sự nhập nhằng vớ vẩn đó. Tỉ như ở trò kéo co: mấy người nắm lấy sợi dây chia ra hai phe, buông dây cười xòa sẽ là trò đùa nhưng trong trường hợp hoàn cảnh nào đấy sẽ là được thua, sẽ là sinh tử, là tranh chấp đầu rơi máu chảy. Trò chơi dân gian, nghệ thuật dân gian ai cũng chơi được, xú xí, xí xóa cũng được nhưng cũng có thể nghiêm trọng hóa nó cũng được. Truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn là văn học dân gian, nghệ thuật dân gian. Khi có một bàn tay chuyên nghiệp dúng vào, thôi xao cho nó thì nó sẽ có một ý nghĩa khác đi nhiều.

Khi đọc Nguyễn Bảo Sinh, bạn đọc dễ có liên tưởng đến thơ Bút Tre. Tôi nghĩ, xét cho cùng, Bút Tre cũng là một kiểu thơ dân gian, nghệ thuật dân gian. ở thơ Bút Tre, kiểu nửa đùa nửa thật trộn lẫn giữa hình thức và nội dung gây nên hiệu quả rất độc đáo:

Hoan hô đại tướng Võ Nguyên

Giáp ta đánh trận Điện Biên lẫy lừng;

Anh đi công tác Plây

Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra;

Con thuyền dịch đít sang ngang

Trông ra thấy một cái làng xa xa.

Ở Nguyễn Bảo Sinh, không có kiểu nửa đùa nửa thật ấy mà ở đây tính chất nửa đời nửa đạo, nửa đúng nửa sai (của đời sống và chân lý đời sống) có phần nào rõ ràng hơn. Thơ Nguyễn Bảo Sinh không đùa tếu như thơ Bút Tre. Thơ Nguyễn Bảo Sinh có vẻ nghiêm túc tìm chân lý hơn. Chính vì vậy nếu xét về phong độ (thơ) tôi nghĩ ở Bút Tre lớn hơn, phá đám hơn, ngầu hơn. Đọc thơ Bút Tre người ta cười to hơn. Đọc Nguyễn Bảo Sinh người ta cười nhỏ đi, đôi khi không cười mà chỉ à một tiếng: à ra thế, à là thế... Không phải tự dưng đã có trường phái thơ Bút Tre: sự châm biếm, tiếng cười là thứ rất dễ lây. Chính sự huyền thi (bãi miễn thơ) đã làm hại Nguyễn Bảo Sinh nhưng có lẽ chính sự hại ấy cũng không quan trọng gì đối với ông. Tôi nghĩ ông không phải là người cố ý làm thơ, càng không phải là người cố ý làm thơ để phổ biến hay truyền bá. Ông làm thơ như một cách ghi nhật ký, ghi lại những ý nghĩ bất chợt mỗi khi ông ngẫm ra một điều gì đấy trên cơ sở quan sát hiện thực và mỗi khi ông rút ra được kinh nghiệm gì đấy từ cuộc đời ông.

Tôi khá bất ngờ và lý thú thấy Nguyễn Bảo Sinh ở tuổi U.67 vẫn có những bài thơ bay bướm kiểu:

Yêu là nhớ ít tưởng nhiều

Yêu là chẳng biết mình yêu cái gì

Yêu nhau đâu bởi hàng mi

Đắm say đâu phải chỉ vì đôi môi

Yêu là yêu, có thế thôi...

Tình yêu ấy, tôi nghĩ chính là tình yêu cuộc sống. Ông làm thơ cũng chính vì ông yêu cuộc sống.

Tôi chắc ở nhiều nơi trên đất nước ta cũng có nhiều thi sĩ dân gian kiểu như Nguyễn Bảo Sinh. Họ yêu cuộc sống và họ làm thơ theo kiểu của họ. Rất tiếc tôi chưa có được nhân duyên gặp gỡ và đọc thơ họ. Nhưng cũng chẳng sao vì thực ra điều ấy với họ, với tôi cũng chẳng có gì quan trọng. Nhiều khi gặp gỡ lại là hệ lụy, thậm chí chắc chắn sẽ là hệ lụy, đúng như Nguyễn Bảo Sinh từng viết:

Yêu sao giây phút hình như

Cho nhau những cái còn chưa của mình

Buồn sao hình chạm với hình

Đôi bong bóng đụng hồn mình chợt tan.

Tôi viết bài này vì tình cảm quý mến của tôi với Nguyễn Bảo Sinh, vì nhân duyên gặp gỡ của tôi với ông thoắt cái thế mà đã 15 năm trời hết một đời Kiều lưu lạc, khi ấy tóc tôi còn xanh, chưa có một sợi bạc nào.

 29/4/2003

Nguyễn Bảo Sinh (trái) và Nguyễn Huy Thiệp

MỘT SỐ CÂU THƠ CỦA NGUYỄN BẢO SINH:

Đi thăm đất nước Trung Hoa

So ra gái đẹp thua xa quê mình

Còn như miếu mạo cung đình

Không xem cũng biết rằng mình kém xa

***

Lên trời tưởng được hết vua

Đến nơi lại thấy bố vua đang ngồi

Vội vàng tụt xuống cõi người

Dưới trần thiên tử vẫn ngồi làm vua

***

Rượu chè cờ bạc gái trai

Là thuốc trường thọ ông trời cho ta

Chính trị là thứ tránh xa

Bàn nhiều đoản thọ hoặc là đánh nhau

***

Gọi là trẻ hay là già

Thì ta vỗ ngực vẫn là đàn ông

Khác xa các vị công công

Gia tài chỉ có một dòng nước trong

***

Vợ là cửa cái

Bạn gái là cửa sổ

Càng nhiều cửa sổ càng sang

Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra

Vợ là cửa cái nhà ta

Lại là cửa sổ thằng cha láng giềng

***

Vợ là cơm nguội nhà ta

Lại là phở tái thằng cha láng giềng...

***

Ái tình nếu uống đủ liều

Loài người sẽ thoát được điều tà dâm

***

Phải vào mới thấy lối ra

Phải yêu mới biết đâu là không yêu

Tìm ai suốt cả bốn chiều

Rồi ra mới biết bốn chiều đều không

***

Những kẻ sĩ trường văn trận bút

Làm nô văn mong chút hư vinh

Đã vào cỗ máy công danh

Không thành ra bã cũng thành ra khuôn

***

Trốn chợ lên đỉnh núi tu

Họ bê cả núi hoang vu về phường

Tiếng chuông vào phố lạc đường

Sư già khất thực luôn mồm thanh-kiu

***

Đường vào đạo lớn vô hình

Chỉ dành cho kẻ vô tình bước qua

Cố tình trồng hoa hoa không nở

Vô tình cắm liễu liễu lên xanh

***

Tìm tiền ở chỗ người đông

Tìm người ở chỗ mênh mông đất trời

Tìm tiên ở chỗ ăn chơi

Tìm đạo ở chỗ cõi người cực đau

***

Sông Cầu nước chảy lơ thơ

Có đôi trai gái ngồi hơ quần đùi

Có chàng thi sĩ dở hơi

Sông Cầu không ngắm, ngắm đùi cô em

***

Bọ ngựa rình bắt ve sầu

Biết đâu chim sẻ đằng sau bắt mình

Mải tìm danh lợi gái xinh

Biết đâu cái họa đang rình bắt ta

***

Đừng chê canh nhạt của tôi

Vì anh ăn mặn lâu rồi thành quen

Em đen đâu bởi em đen

Em đen là bởi cái đèn bật lên

***

Đừng thấy em bé mà chòng

Lớn lên anh sẽ phải lòng em ngay

Đừng thề mãi mãi đắm say

Mai kia em sẽ thành ngay bà già

***

Về thăm chiến địa Điện Biên

Ngậm ngùi tiếc thủa tráng niên  qua rồi

Ngày xưa kéo pháo băng đồi

Nay không kéo được qua đùi chị em

***

Muốn cho trộm chẳng đến nhà

Đề vào trước cửa đây là nhà thơ

Muốn đuổi khách ra khỏi nhà

Đọc thơ được giải họ ra tức thì.

Đêm nằm nghĩ mãi không ra

Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ.

***

Bánh mỳ phải kẹp pa tê

Đàn ông phải có máu dê trong người

***

Đi bộ gọi là chân tu

Đếm tiền lễ bái gọi là tay tu

Ngoài ra những kẻ ngồi tù

Nhốt riêng trai gái gọi là cu tu

***

Tự trói thì gọi là tu

Bị trói thì gọi là tù mọt gông

***

Đi chùa nên tránh lúc đông

Sợ nhiều người quá phật không thấy mình

Còn khi đi đến chợ tình

Người đông dễ chọn cho mình người yêu.

26 tháng 9 2024

Truyện Tình Kể Trong Đêm Mưa

Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp

Hồi ở Tây Bắc, tôi có quen một người Thái tên là Bạc Kỳ Sinh. Tôi quen Bạc Kỳ Sinh trong dịp tình cờ. Sự việc như sau:

Chợ phiên vùng cao
Hôm ấy, tôi đi chợ Mường La. Chợ Mường La họp ngay bên đường phố núi. Chợ khá sầm uất, vàng giả thật lẫn lộn. Các cô gái Thái, gái Xá ngồi bán đào, mận, mắc coọc...hái ra từ trong núi. Những sạp vải hoa, phích nước, xoong nồi...buôn từ Trung Quốc sang bày bán la liệt. Những người đàn ông, đàn bà H’Mông dắt ngựa, gùi những gùi sa nhân, đẳng sâm, ba kích... gùi cả nhừng gùi nếp tan là thứ gạo nếp đặc sản có một không hai của họ, mầu hồng hồng như nhuộm phẩm, rất thơm và dính.

Chợ Mường La họp từ sáng sớm, khi sương mù đang còn dày đặc, người đi chợ như đi trong mơ, cách một sải tay chẳng nhìn thấy gì. Sương mù ở rùng núi cao khác với sương mù ở vùng đồng bằng: nó dày dặc, nó như màn sữa loãng, mênh mông bí ẩn, không hoang tưởng, không làm hại ai, nó là khí núi tan ra rồi tụ lại; nó không phải hơi nước, hơi bụi và mưa nhỏ mà ta vẫn gọi là sương ở dưới đồng bằng.

Khoảng gần trưa, khi sương tan đấy là khi chợ náo nhiệt nhất. Người H’Mông xúm xít quanh nồi thắng cố, uống rượu, thổi khèn bè. Người Thái, người Xá cũng uống rượu, thổi khèn bè. Người La Hụ thổi khèn lá. Các cô gái Thái, gái Xá, gái Dao đứng tụm lại hát đối, hát ghẹo, hát giao duyên với các chàng trai. Có vài người nổi hứng bắn lên trời mấy loạt súng kíp, đám đông xung quanh chạy dạt ra như ong vỡ tổ.

Tôi đi chợ cũng chẳng định mua bán gì. Cũng có nhiều người đi chợ như tôi. Chợ miền núi là nơi gặp gỡ, giao tiếp, là lễ hội nhỏ, là nơi đi chơi, nơi người ta thoát ra khỏi nếp sống thường tẻ nhạt. Tôi đi dọc phố chợ, đi hết chợ rồi ngược trở lại. Ở giữa chợ có một ông già người Hoa đang ngồi xem bói. Trước mặt ông già có một cái đa đựng ba viên súc sắc. Người xem bói đặt tiền rồi cho ba viên súc sắc vào một quả bầu khô lắc mạnh, sau đó đổ ra đĩa gọi là “gieo quẻ”. ông già căn cứ vào tổng số điểm trên ba viên súc sắc để nói về định mệnh của họ. Người ta xuýt xoa, trầm trồ, sợ hãi. Tất cả đều thành thực, tin tưởng. Có cái gì vừa như huyền bí, vừa như đe dọa, lại vừa như lường gạt trắng trợn lơ lửng đâu đây ở trên đầu đám đông. Tôi thấy vui vui, thấy hồi hộp lạ lùng và cũng định xen vào để thử vận hạn. Ngay khi ấy có người níu lấy tay tôi. Tôi quay lại, thấy một gã người Thái mặc quần áo chàm, đội mũ nồi, khuôn mặt thật thà, nói tiếng Kinh rất sõi lắc đầu:

- Đừng có tin lừa dối đấy! Mời ông xem cái này!

Gã giơ ra trước mặt tôi một vật đen đen ám khói bếp, bẩn và hôi không tưởng tượng được, trông giống như một cái mề gà sấy khô:

- Đây là mật gấu 100%. Tôi bắn được con gấu này ở trong Xốp Cộp, nặng 137 cân. Tôi để cho ông giá rẻ...

Tôi cười lắc đầu. Tôi đã biết người ta làm giả mật gấu bằng mật lợn như thế nào. Tôi còn biết người ta đã dùng xi lanh để rút mật gấu thật ra rồi bơm vào đầy nước lã ra sao. Gã người Thái nài nỉ vài câu, cuối cùng tỏ ra thất vọng. Gã giơ hai tay lên trời, phàn nàn vài câu bằng tiếng Thái rồi bỏ đi. Tôi quay lại chỗ cũ, nhận ra chiếc đồng hồ đeo tay đã biến mất từ lúc nào. Tôi vừa tức giận vừa bực mình. Đấy là vì khi ấy tôi còn trẻ tuổi! Cảm giác bị kẻ khác lường gạt, bị lỡm, bị hố, bị xỏ mũi chỉ vì mình cả tin thật thà khiến tôi mất cả bình tĩnh. Với một giáo viên quèn, chiếc đồng hồ đeo tay khi ấy với tôi là một gia tài, một của quý, một sĩ diện, dù chiếc đồng hồ ấy luôn chạy sai giờ.

Tôi đi xuyên qua chợ, tìm gã bán mật gấu, tôi định sẽ cho hắn bài học đích đáng. Bỗng tôi thấy một cô gái Thái dắt một con ngựa tiến lại phía tôi.

Cô gái Thái trẻ trung, xinh đẹp, đôi mắt nông, hoang vắng và tinh khôn có phần dạn dĩ. Đi sau cô gái có hai ông già tay ôm hai con gà chọi.

Cô gái chào tôi:

- Thưa ông, em muốn nhờ ông giữ hộ con ngựa một lát được không?

Tôi lúng túng, không biết trả lời ra sao thì cô gái đã giúi cương ngựa vào trong tay tôi. Cô gái nói: ông đứng ở vệ đường này. Chỉ một lát thôi là em quay lại...

Cô gái cười, nụ cười rất nhiều hứa hẹn rồi chạy bỏ đi. Hai ông già đi theo cô gái ngồi thụp ngay xuống lòng đường rồi thả gà ra. Lập tức, hai con gà xông vào đánh nhau túi bụi. Đám đông bu lại thành một vòng tròn, lộn xộn, điên cuồng, phấn khích không tưởng tượng được.

Có tiếng la hét dẹp đường rồi một chiếc xe “com-măng-ca” đi tới. Trên xe có mấy cảnh sát chở một người tù bị khóa tay bằng còng số 8. Chiếc xe phải dừng lại vì bị đám chọi gà cản đường. Mấy cảnh sát vừa bước xuống xe thì đám đông ồn cả lên, bao vây quanh họ, bụi cát mù mịt tung trời. Một tổ ong vàng không biết ở đâu xuất hiện, vỡ tung ngay trên đầu đám đông. Người ta hò nha u chạy, ngã dúi ngã dụi vào nhau. Tôi chưa kịp định thần thì thấy cô gái Thái lúc này xuất hiện giằng lấy tay cương. Người tù trên xe nhảy ào lên lưng con ngựa. Tôi chỉ thoáng thấy anh ta để tóc dài, mặc bộ quần áo chàm xanh. Cô gái Thái nhảy lên theo và họ lập tức phi ngựa băng qua các mẹt hàng, sạp hàng chạy về phía đường rừng Tạ Bú, tả ngạn sông Đà.

Tôi bị bắt giam vào đồn cảnh sát. Người ta coi tôi là can phạm trong vụ cướp tù, cuối cùng không đủ chứng cớ quy tội nên chuyển tôi làm nhân chứng. Tôi phải ký tên vào một tờ khai chữ nghĩa hết sức rắc rối mập mờ. Tôi được biết người tù kia là một tên thổ phỉ, một kẻ sống ngoài vòng cương tỏa xã hội. Hắn tên là Bạc Kỳ Sinh.

° ° °

Phụ nữ người Thái ở Sơn La

Trường học miền núi nơi tôi ở nằm trên một quả đồi trọc gọi là đồi Thông mặc dầu trên ấy chẳng có một ngọn thông nào. Trên một vạt đất bằng phẳng người ta dựng lên ba dãy lớp học làm bằng gianh tre nứa lá có phần nào giống một trại nuôi bò. Khu nhà giáo viên gần kề ngay đó lợp ngói, vách trát “tooc-si “ nhưng khi mưa xuống dột còn nhiều hơn cả mái nhà lợp gianh. Vốn thích độc lập, tôi tự mình dựng một ngôi nhà nhỏ cách biệt hẳn ra, có hàng rào bao quanh cẩn thận. Ở riêng một chỗ, tôi có cái thú của kẻ tự do, nghĩa là tha hồ buông xuôi ở trong cảm giác cô đơn mà không để người khác nhòm thấy, không làm lụy ai cả. Ở ta, tự cô đơn là cách rẻ rúng nhất, vô hại nhất để tạo ra ảo giác về tự do, một điều xét cho cùng cũng chẳng ra gì nhưng thiết yếu để rèn luyện nhân cách cho tuổi trẻ vốn lắm mê say và dễ sa ngã.

Mùa hè năm ấy, tôi phải ở lại trông nom, bảo vệ trường học. Mưa lũ kéo dài từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9 khiến nơi tôi ở không khác gì một ốc đảo. Số gạo dự trữ sắp hết. Tôi rất buồn rầu và thương thân mình. Tôi có thể ốm rồi chết ở nơi khỉ ho cò gáy này vô ích. Tôi đã thấy mộ những giáo viên vô danh chết như thế ở Mường Hum và Chiềng Cọ, cả ở trong bản Chi cuối đường 19 nữa. Suy đi tính lại, tôi quyết dịnh vượt qua thung lũng Chiềng Sạ vào bản Pò Mật tìm người giúp đỡ. Tôi mặc áo mưa, mang theo khẩu súng săn đã han rỉ và bị hóc đạn bên mình, mang đi theo để cho oai chứ thực ra chẳng có tác dụng gì cả. Tôi tìm đường đi xuống thung lũng.

Loay hoay hết buổi, tôi không làm sao vượt qua được thung lũng ngập đầy nước. Tôi không dám liều mạng bởi tôi không thuộc địa hình địa vật ở đây, nếu bị nước cuốn vào một khe hẻm coi như toi mạng. Tuyệt vọng, tới gần tối tôi quay về nhà, ngạc nhiên thấy ở trong nhà mình có sáng ánh đèn.

Trong nhà tôi, ở giữa nhà có một đống lửa mới được nhen lên. Một người đàn ông Thái đang ngồi thản nhiên nướng thịt gà rừng. Thấy tôi, y chẳng buồn nhìn mặt mà chỉ liếc xéo trông chừng khẩu súng săn của tôi với vẻ đề phòng.

- Ông là chủ nhà à? - Y hỏi tôi sau khi tôi đã treo súng lên tường.

Tôi chán nản gật đầu. Người đàn ông Thái nói:

- Chúng tôi sẽ ở đây ba ngày đợi lũ rút đi. Tôi hơi ngạc nhiên vì y dùng chữ “chúng tôi”.

Như vậy, chắc y không phải chỉ có một mình.

- Tôi không còn gì ăn cả. - Tôi thông báo trước với khách như vậy, không tỏ ý thiện cảm chút nào.

- Tôi biết rồi - người đàn ông Thái gật đầu với tôi - trước khi ông về tôi đã lục lọi khắp trong nhà này. Cô Muôn đang đi lấy gạo.

Tôi hơi phật ý vì thái độ tự nhiên của khách.

Chừng như nhận ra, y mỉm cười giới thiệu:

- Tên tôi là Bạc Kỳ Sinh.

Tôi hơi giật mình. Bạc Kỳ Sinh nói:

- Tôi đi với cô gái. Cô ấy là Muôn.

Đúng lúc ấy, cô gái Thái mà tôi đã gặp trước đây ở chợ Mường La bước vào, vai đeo gùi, người ướt như chuột lột. Bạc Kỳ Sinh đứng dậy đỡ lấy gùi gạo. Tôi không hiểu họ moi đâu ra gùi gạo trắng tinh ở giữa trời mưa, ở giữa nơi mênh mông đầy nước ngập này.

Bạc Kỳ Sinh và cô gái nói chuyện với nhau bằng tiếng Thái. Cô gái nhìn tôi mỉm cười:

- Em nhận ra ông rồi! Ông đã giúp em giữ ngựa ở chợ Mường La.

Bạc Kỳ Sinh lấy gạo thổi cơm, còn cô gái lui vào buồng trong thay áo. Tôi nghe thấy tiếng lục lọi đồ đạc rồi cô gái thò đầu ra cửa hỏi tôi:

- Ông giáo! Ông cho em mượn cái áo của ông được không?

Tôi nhìn Bạc Kỳ Sinh và thấy y có vẻ tán thành nên nói:

- Được!

Tôi ở miền núi đã lâu, tôi biết đàn ông Thái nhiều người có máu ghen tuông ghê gớm! Anh có thể chết như bỡn vì một nhát dao nếu như vô tình ghẹo cô gái có chồng đã “tằng cẩu” tức là đã buộc ngược tóc lên đỉnh đầu. Ở Yên Châu vài năm trước đây đã có một vụ như thế: có một tay giáo viên người Kinh quê ở Hưng yên đã bị xẻo mất “của quý” bằng con dao quắm to bản dùng để chẻ lạt, gã “pháo thủ” không bao giờ còn ra trận được nữa, gã phải “hồi hưu” khi gã mới hai mươi tuổi. Tôi không muốn như thế, năm ấy tôi mới hai mươi mốt tuổi đầu, chưa biết tí ti gì về chuyện “phong hoa tuyết nguyệt”.

Một lúc sau, cô gái ở trong buồng trong bước ra, mặc chiếc áo “phông” sặc sỡ của tôi và chiếc váy mới. Trông cô rất đẹp, vẻ đẹp vừa hoang vắng, vừa mê đắm lại vừa man rợ.

Chúng tôi ngồi ăn cơm và cùng trò chuyện với nhau. Bạc Kỳ Sinh ít nói, đôi mắt của y lạnh lẽo, căng thẳng như mắt diều hâu, thỉnh thoảng lại sáng rực lên như có tia chớp, tia lửa. Chỉ khi nào ánh mắt của y gặp ánh mắt của Muôn nó mới dịu đi đôi chút, nó mới có vẻ như ánh mắt người. Bạc Kỳ Sinh có nụ cười dè dặt, lúc nào cũng có vẻ như giễu cợt bản thân mình hay giễu cợt ai. Chúng tôi ngồi nói chuyện về các sản vật ở vùng Tây Bắc, về phong tục người Thái, về việc người Kinh lên đây làm ăn sinh sống. Bạc Kỳ Sinh có vẻ không thích thú lắm với việc ngày càng có nhiều người Kinh lên Tây Bắc “đi xa hơn nữa”, “khai hóa văn minh”, “thắp lên ánh sáng văn hóa”. Muôn thì khác, cô tỏ ý chê bai lối sống khép kín, quá gần tự nhiên, thậm chí có phần tăm tối của dân miền núi. Qua câu chuyện, tôi thấy hai người hiểu biết nhiều thứ, không hề ngơ ngẩn hoặc quá hẹp hòi như cách thức mà dân thành thị chúng ta vẫn hình dung về “người dân tộc”.

Cơm nước xong, Bạc Kỳ Sinh dựa lưng vào vách, mắt đăm đăm nhìn vào đống lửa bập bùng. Ngoài trời đêm mưa vẫn không ngớt. Bạc Kỳ Sinh hát ê a một bài hát bằng tiếng Thái, lời lẽ rất ấn tượng. Có nhiều đoạn, cô Muôn cùng hát với y. Tôi nghe loáng thoáng, cố gắng tìm cách sắp xếp lại lời của bài hát này:

Pò mệ ơi! Bố mẹ ơi...

Pò mệ sinh con từ hang núi.

Nơi ấy có nhiều gió, lạnh lắm

Đêm mưa, nhiều gió lạnh lắm

Tiếng hổ gầm, tiếng chó sói hú

Những con rắn con trăn tìm mồi

Bọn cáo chồn hôi hám rình mò

Con don, con dím nấp trong hang

Con mình trần thân trụi run rẩy

Gió lạnh lùa vào ngực con

Con nhen lửa, gió làm tắt lửa

Con sờ soạng trong bóng đêm

Và nhặt được một vật mềm, ướt át

Con sợ hãi, không biết vật gì

Nó phập phồng trong tay con

Ôi đau quá, đau nhói ở đây

Cái vật mềm, ướt át ấy

Là trái tim con rơi trên đất

Mặt đất ấy nhiều gió, lạnh lắm

Pò mệ ơi, ai thương con

Pò mệ ơi, ai thương pò mệ...

Tiếng hát của Bạc Kỳ Sinh rất lạ, đơn giản như lời người nói. Tôi chưa thấy ai hát như thế bao giờ: người hát không lấy hơi, không rán sức, khi nhấn lời hoặc ngân nga thì dịu dàng không sao kể xiết; ngậm ngùi, tê tái mà không mủi lòng; tâm trạng cô đơn lạnh buốt lẫn lộn với những khao khát nồng nàn. Tiếng hát sóng sánh, đặc như những giọt mật ong. Mỗi từ là một giọt mật. Tôi nghe hát mà nước mắt cứ thế chảy ra ràn rụa, tự nhiên không kìm lại được.

Bài hát chấm dứt. Tất cả lặng đi. Tiếng mưa rơi và tiếng côn trùng bỗng nhiên ùa vào trong nhà riết róng nghe rõ mồn một. Không ai nói năng gì cả. Tiếng hát vẫn còn như lơ lửng bay trong không gian, vướng vào mái nhà, kèo nhà, vướng vào mái tóc, vướng vào đôi môi, cháy xèo xèo trên ngọn lửa đỏ rực.

Bạc Kỳ Sinh hát xong, y cười một nụ cười nhợt nhạt thất thần, hình như bao nhiêu sinh lực của y đã trút hết vào cho bài hát. Một lúc sau như không chịu đựng nổi sự yên lặng, Muôn cũng ê a hát. Bài hát này cũng xót xa tê tái chẳng kém gì bài hát của Bạc Kỳ Sinh:

Ing noọng ơi, ing noọng ơi

Nếu em xây nhà

Thì đó là ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng

Trong nhà có bếp lửa hồng

Trên bàn có cắm bông hoa đỏ và bông hoa trắng

Chăn đệm mới thơm tho

Bên cạnh em có anh

En muốn anh ở bên cạnh em

Đấy là ước mơ của em

Anh yêu ơi, bây giờ đi đâu rồi

Ma rùng bắt anh hay ngọn lửa nào gọi anh

Anh đi về hướng nào

Không có ai đợi anh ở đấy

Anh yêu ơi, về đây với em

Ta xây ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng

Anh yêu ơi, bây giờ đi đâu rồi

Người thương ơi, bây giờ đi đâu rồi?

Tôi lặng nghe Muôn hát, thấy giọt nước mắt lăn trên gò má của cô. Bạc Kỳ Sinh có vẻ xúc động. Y đưa tay ôm lấy bả vai cô gái kéo về phía mình. Khi Muôn hát xong, y nói một câu tiếng Thái rất nhanh, tôi không nghe rõ nhưng đoán là một lời chửi rủa hay một lời thề độc. Muôn trừng mắt nhìn y rồi ngồi xích ra có vẻ bất bình. Họ nói về một người nào đó có tên là Ngân.

Đêm về khuya, mưa càng ngày càng nặng hạt. Mưa thấm vào đất, vào vách nhà, vào lòng người... Chúng tôi ngồi yên như thế rất lâu. Lát sau Bạc Kỳ Sinh lên tiếng trước. Y phàn nàn về những điều kiện sinh sống khốn khổ ở nơi nào đó, chắc là ở quê hương y. Vùng Tây Bắc tôi đã đi nhiều, điều kiện sống của con người ở đây thật khắc nghiệt. Dân nhiều nơi chỉ đủ gạo ăn có ba tháng, còn chín tháng trong năm phải vào rừng đào củ mài. Săn bắt và hái lượm vẫn là những hình thức kiếm sống phổ biến của nhiều tộc người ở đây hệt như một ngàn năm trước. Nạn du canh du cư và triệt phá rừng làm cho quang cảnh rừng núi ngày càng thêm tiêu điều. Tôi cố tình dò hỏi tông tích, gốc gác của Bạc Kỳ Sinh. Y trả lời dè dặt, y nói chung chung:

- Tôi là đứa con hoang của rừng.

Y nói câu đó thì thầm như lời thú tội, có phần nào chán chường nhưng vẫn ngấm ngầm một niềm kiêu hãnh đặc biệt. Tôi gợi lại chuyện xảy ra bữa trước ở chợ Mường La thì y mỉm cười:

- Rắc rối cho ông ghê lắm phải không?

Y ngượng nghịu xoa tay vào nhau rồi nói tiếp:

- Tôi đã mang ơn ông.

Sau đó y chỉ vào Muôn:

- Nhờ có con nhím này!

Mãi về sau, do nhiều người kể lại tôi mới biết rõ về câu chuyện xảy ra hôm ấy.

Đêm về khuya, tôi ngủ ở bên bếp lửa, nằm thao thức nghe tiếng mưa rơi. Trong giấc mơ, tôi cứ chập. chờn về hình ảnh trái tim mềm mại, ướt át, phập phồng rơi trên đất lạnh và ngôi nhà nhỏ có cửa sổ rộng. Những hình ảnh ấy phải chăng là nỗi ám ảnh thân phận tình yêu đôi lứa của hai người?

° ° °

Bạc Kỳ Sinh là hậu duệ của dòng họ Bạc đất Mường Vài. Đây là một dòng họ quý tộc xa xưa, đồn rằng ông tổ là người Kinh đã từng làm chức thượng thư, bỏ lên Tây Bắc vì chán thời thế. Đấy là vào khoảng thế kỷ XVIII, thời vua Lê, chúa Trịnh, một thời nhiễu nhương trong lịch sử. ông tổ của Bạc Kỳ Sinh lấy vợ người Thái, lập trang trại, sống nhờ vào việc buôn bán thuốc phiện với người Lào và người Hoa. Đến đời Bạc Kỳ Sinh, thời thế thay đổi, chính quyền mới đang tồn tại cùng chúng ta đây thành lập. Một đồn biên phòng đóng ngay ở đất Mường Vài. Việc buôn bán thuốc phiện bị cấm. Những người lính biên phòng thường xuyên xuống bản, giúp dân làm ăn, dạy học cho trẻ và giữ gìn trật tự an ninh trong vùng. Đồn trưởng biên phòng là Lò Văn Ngân, người Thái ở Yên Châu, một thiếu úy mẫn cán và sắt đá. Số phận éo le, giữa Lò Văn Ngân và Bạc Kỳ Sinh có những mối quan hệ thật trớ trêu.

Một lần, vào dịp Tết cổ truyền, người ta tổ chức một cuộc đua ngựa cho thanh niên trong vùng. Chặng đua khá nguy hiểm, phải vượt qua nhiều suối và núi đá tai mèo. Có nhiều giải thưởng, giải nhất là một con ngựa tuyệt đẹp. Muôn là cô gái xinh đẹp nhất đất Mường Vài sẽ trao dây cương cho người thắng trận.

Mười bảy kỵ sĩ tham gia cuộc đua, trong đó có Lò Văn Ngân và Bạc Kỳ Sinh. Hai người ganh đua từng phân một và họ bỏ xa các ky sĩ khác. ở chặng cuối cùng, nguy hiểm nhất là phải băng qua vực đất sụt. Nghe nói dưới đó có mạch nước ngầm từ xa xưa, mạch nước ngầm này còn lớn hơn cả con sông Đà, nhiều chỗ mạch nước ngầm phun lên làm nơi đó biến thành bùn lầy vô cùng nguy hiểm. Lò Văn Ngân là kỵ sĩ giỏi. Con ngựa anh cưỡi là con ngựa giống sông Đông ở Nga. Hồi ấy loại ngựa này chỉ nhập vào Việt Nam có sáu con để phối giống, được nuôi ở trại ngựa Bá Vân, Thái Nguyên theo tiêu chuân đặc biệt, người ta tìm cách nhân nó lên để cung cấp cho lính biên phòng. Con ngựa này phi rất nhanh, nếu đường sá tốt có thể phi tới 300 cây số một giờ, bước nhảy của nó xa tới 4 mét. Nó cao gấp rưỡi con ngựa bình thường. Bạc Kỳ Sinh cưỡi con ngựa của người miền núi Tây Bắc, chân thấp, tướng mạo xấu xí, trông giống một con la già, chạy không nhanh nhưng dai sức, khi leo núi thì không khác gì sơn dương. Loại ngựa này đặc biệt nhạy cảm với địa hình miền núi, nó ăn rất ít và chịu được khát.

Khi qua đèo, con ngựa sông Đông của Ngân chạy song song với con ngựa của Bạc Kỳ Sinh. Đường rất hẹp, hai con ngựa chèn nhau khi vượt khúc quanh ở hem núi. Gió thổi mạnh, con ngựa sông Đông khỏe hơn nên hất con ngựa của Bạc Kỳ Sinh xuống khe núi. Bạc Kỳ Sinh thoát chết nhờ vào sự nhạy cảm thần kỳ của con tuấn mã. Con ngựa chụm bốn vó lăn tròn ở vạt dốc nghiêng, không hiểu làm sao móc được một chân vào thân cây dâu da. Sau này Bạc Kỳ Sinh kể lại: “Lúc đó mạng sống thật là “ngàn cân treo sợi tóc”. Con ngựa hình như cũng biết điều đó, nó chỉ doãi cẳng chân ra là cả hai sẽ lao xuống vực sâu 300 mét. Gió thổi, đá cào làm nó lột xước hết cả da. Nó run bắn lên, mồ hôi túa ra đầm đìa. Mắt nó như muốn dò hỏi: “Tại sao? Tại sao lại chết vô lý thế này?” Thế là nó vùng vẫy sức lực của nó như được nhân lên gấp bội...

Loay hoay mãi, Bạ Kỳ Sinh mới gỡ được mình ra và dìu được con ngựa từ trên cây xuống. Bạc Kỳ Sinh bị thương khá nặng: xương đùi gãy, một chân bị trẹo khớp. Nhưng một kỵ sĩ miền núi thì chẳng bao giờ bỏ cuộc. Y vẫn tiếp tục cuộc đua. Để đến đích, nếu theo con đường cũ dễ dàng thì thất bại là chắc chắn: với hơn 20 cây số đường rừng như vậy thì người và ngựa sẽ kiệt sức vì mất máu. Bạc Kỳ Sinh quyết định vượt qua núi đá tai mèo để về thung lũng: đường ngắn hơn, chỉ có hơn hai cây số nhưng làm như thế nghĩa là “leo núi” chứ không phải còn là “đua ngựa” nữa. Được cái cuộc đua không hề quy định lộ trình bắt buộc. Từ xa xưa, dâ n miền núi đã quen chỉ xác định hướng đi chứ không xác định sẽ đi như thế nào, con người phải tự mò mẫm một mình và chỉ có linh cảm, trực giác mới giúp họ vượt qua tất cả.

Bạc Kỳ Sinh vượt qua vách núi tai mèo, nghĩa là cầm chắc cái chết trong tay, hy vọng sống trong một phần nghìn. Không hiểu làm thế nào mà Bạc Kỳ Sinh vượt qua được. Máu loang lổ bết đầy người và ngựa. Y đến đích không khác gì một con ma rừng.

Cuộc đua kết thúc. Không ai trao giải thưởng cho con ma rừng. Giải thưởng thuộc về Lò Văn Ngân và con ngựa giống sông Đông. Bạc Kỳ Sinh chỉ được sự tán thưởng ngầm của ít người dân miền núi lầm lì nhất, họ có cách đánh giá riêng cửa họ về các giá trị con người.

Bạc Kỳ Sinh dưỡng bệnh ở nhà ông Sùng là bố của Muôn. Ông là thầy thuốc biết chữa bệnh bằng nhiều thứ lá cây rừng. Tình yêu của y với Muôn bắt đầu nảy nở trong những ngày đó. Nhưng Lò Văn Ngân, viên thiếu úy đồn trưởng biên phòng cũng rất yêu Muôn.

Bạc Kỳ Sinh khỏi bệnh vào cuối mùa thu. Lúc ấy rừng đang thay lá. Rặng cây sau nhà Muôn từ màu xanh chuyển sang màu đỏ như mận và màu đỏ của máu. Hoa đinh lăng là thứ hoa đơn ở rừng có màu vàng như là hoa tai vàng nở rất nhiều ở hàng rào đầy những dây tơ hồng cũng màu vàng như màu nhẫn vàng. Bạc Kỳ Sinh ngồi bên cửa sổ. Muôn ngồi xe sợi ở ngoài chái nhà, cô ê a hát bài hát mà cô ưa thích:

“Ing noọng ơi, ing noọng ơi

Nếu em xây nhà

Thì đó là ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng

Trong nhà có bếp lửa hồng”

Ông Sùng hỏi Bạc Kỳ Sinh:

- Này Sinh, mày có nghĩ rằng dân miền núi sẽ có hạnh phúc hay không?

Bạc Kỳ Sinh cười:

- Khi còn mê muội...

Muôn hỏi:

- Vậy văn minh?

- Không tốt gì! - Một người đàn ông Thái vừa bước lên cầu thang vừa nói. Đây là Lò Văn Cường, em trai ông Sùng, chú ruột của Muôn. Ông ta gùi một gùi hàng nặng. Ông ta vẫn buôn thuốc phiện từ Tam giác vàng qua đường Thượng Lào sang Tây Bắc.

Đêm hôm đó, Lò Văn Cường ngủ ở nhà anh trai mình. Ông bảo Bạc Kỳ Sinh:

- Cháu Sinh ạ, tao đã thấy mày đua ngựa với người của chính phủ. Theo tao đi! Mày là ma rừng phải đi đường hẻm. Mày muốn con Muôn thì hãy nghe tao! Mày hãy đi gùi hàng lên Hoàng Su Phì! Hãy nghĩ đến tự do và tiền bạc rồi sau hãy nghĩ đến đàn bà. Con Muôn nó sẽ giết mày! Nửa tháng sau, Lò Văn Cường bị bắn chết.

Những người lính biên phòng do Lò Văn Ngân chỉ huy phục kích đã bắn chết ông ta khi mang thuốc phiện vượt qua biên giới. Lò Văn Ngân được thăng chức trung úy. Ngân cưõi con ngựa sông Đông đến chơi nhà Muôn. Anh tặng Muôn đôi vòng tay bạc. Muôn hỏi:

- Nếu giết được một người thì được tăng một chức à?

Ngân bảo:

- Điều ấy tùy vào người bị giết là ai.

Muôn nói:

- Ông ta là chú tôi.

Ngân bảo:

- Tôi không biết.

Khi Ngân đi xuống cầu thang thì con ngựa sông Đông của anh đã bị cắt mất gân chân đang nằm gục bên hàng rào. Ngân chạy lên cầu thang rút súng chĩa vào Bạc Kỳ Sinh:

- Mày giết ngựa! Mày có biết con ngựa ấy đáng giá bằng mấy mày không?

Bạc Kỳ Sinh nói:

- Cần thì tao cắt gân mày chứ không cắt gân con ngựa!

Bạc Kỳ Sinh bị bắt. Muôn than thở:

- Anh ta đang ốm.

Ngân nói:

- Con ngựa này mỗi ngày ăn hết 20 cân thóc, 6 lít sữa với 2 cân đường. Cả nước bây giờ chỉ còn hai con như thế!

Bạc Kỳ Sinh bị giam chín tháng trong tù. Ở trong tù, những người bạn của Lò Văn Cường chỉ cho y các mối hàng, cách đi rừng, cách chơi gái sao cho không bị mang bệnh, cách trốn lính biên phòng, cách phân biệt tiền giả thật, tiền bạt Thái Lan và tiền kíp Lào, rất nhiều thứ mà người ta không biết phân biệt đấy là những kiến thức về tự do hay sự từng trải phóng đãng.

Một tay ăn trộm người Dao tên là Triệu Phú Đại rủ Bạc Kỳ Sinh vượt ngục. Đêm hôm ấy trời mưa to, hai người dỡ mái tôn chuồn được ra ngoài luồn rừng chạy về phía rừng Thuận Châu trốn tránh.

Ít ngày sau Bạc Kỳ Sinh tìm đường về đến nhà Muôn. Triệu Phú Đại cằn nhằn:

- Chúng ta phải chuồn sang Thượng Lào ngay lập tức. Loanh quanh ở đây rồi chết có ngày.

Bạc Kỳ Sinh nói:

- Mày biết gì về tình yêu?

Triệu Phú Đại thở dài:

- Đấy là thứ tình cảm không lương thiện.

Muôn chạy ra đón Bạc Kỳ Sinh, trên tay đeo đôi vòng bạc của Ngân tặng cô.

Bạc Kỳ Sinh hỏi:

- Cô yêu nó à?

Muôn nói:

- Không biết! Em chỉ thích bộ quân phục.

Bạc Kỳ Sinh và Triệu Phú Đại ở nhà Muôn ba ngày. Triệu Phú Đại bảo Bạc Kỳ Sinh:

- Mày lựa chọn đi. Hoặc đi Thượng Lào. Hoặc ở đây rúc váy con Muôn để đợi thằng Ngân đến bắt. Năm giờ sáng, lính biên phòng bao vây nhà Muôn. Triệu Phú Đại và Bạc Kỳ Sinh nấp trong buồng kín. Triệu Phú Đại nói:

- Phen này chết là chắc. Tao không tiếc gì. Chỉ tiếc mày mới hai mươi lăm tuổi.

Bạc Kỳ Sinh nói:

- Khi thằng Ngân bước lên cầu thang tao sẽ dí dao vào cổ nó...Khi người ta đưa ngựa tới, mỗi thằng chạy về một phía... Bạc Kỳ Sinh treo người ở trên chái nhà giống như con dơi. May cho y là 5 giờ sáng thì trời vùng núi còn tối như mực. Lúc ấy trời lại đổ mưa to. Hai người chạy thoát sang đất Thượng Lào.

Bạc Kỳ Sinh nói:

- Chắc cha con ông Sùng bị bắt mất.

Triệu Phú Đại cười:

- Có con Muôn thì chẳng sợ. Biết “mèo nào cắn mỉu nào”!

Bạc Kỳ Sinh buôn bán dọc ngang ở vùng Thượng Lào, nhiều khi sang cả Thái Lan. Y có tiền, có nhiều thứ nhưng trong lòng khôn nguôi nhớ Muôn và nhớ quê hương. Thỉnh thoảng y tìm đường liều lĩnh về thăm đất Mường Vài. Một lần về y bị bắt và xảy ra vụ trốn chạy ở chợ Mường La mà tôi chứng kiến.

° ° °

Bạc Kỳ Sinh và Muôn trú ở nhà tôi sang ngày thứ hai thì họ cãi lộn với nhau. Cả hai đều mất bình tĩnh. Tôi không hiểu lắm vì họ nói bằng tiếng Thái rất nhanh, tôi chỉ lõm bõm biết một số từ. Tôi đoán hai người đã không đồng ý về cách giải thoát tình trạng hiện thời. Muôn nài nỉ điều gì đó nhưng Bạc Kỳ Sinh dứt khoát chối từ. Một lúc sau, Bạc Kỳ Sinh cũng nài nỉ điều gì đó nhtng Muôn không chịu. Cuối cùng Bạc Kỳ Sinh đứng lên tru một tiếng khủng khiếp như chó sói hú. Trông y rất đau đớn. Muôn ôm mặt chạy ra ngoài trời mưa. Lúc ấy trời đã khuya lắm. Bạc Kỳ Sinh chạy theo. Họ giằng co nhau một lúc lâu rồi Muôn chạy về phía rừng. Bạc Kỳ Sinh quay vào nhà, y nằm vật ra ở bên đống lửa.

Tôi ngồi lặng lẽ chứng kiến hai vị khách trọ. Tôi mơ hồ thấy một nỗi thương cảm xót xa. Tại sao lại phải dày vò mình, phải dày vò nhau như thế? Hồi ấy tôi còn trẻ tuổi, tôi chưa nếm trải vị ngọt cũng như vị đắng tình yêu, ôi tình yêu! Sau này tôi mới biết đấy là thế nào! Bạn trẻ, bạn hãy yêu đi! Nó sẽ làm cho bạn hóa rồ hóa dại, nó sẽ làm cho bạn tốt lên hoặc xấu đi thì tôi cũng chẳng biết nữa, nhưng tôi biết chắc chắn đó là một điều tuyệt vời nhất trên đời, đó là thứ giá trị nhất trong mọi thứ giá trị mà Thượng đế ban cho con người. Bạn trẻ! Bạn đừng tin những kẻ nói với bạn rằng tình yêu là sai lầm! Không có tình yêu sai lầm...Đấy là những kẻ ghen tị với tình yêu, những kẻ không có cơ hội để có tình yêu, vu khống, xúc xiểm tình yêu...

Suốt đêm hôm ấy chúng tôi không thấy Muôn trở lại. Bạc Kỳ Sinh ngồi bên bếp lửa như hóa đá. Tôi cố gợi chuyện y. Y thở dài:

- Cô ấy sẽ không trở lại...Đàn bà rất thích những ngôi nhà có cửa sổ rộng để chuồn ra ngoài...

Trầm ngâm một lúc, y nói tiếp:

- Về bản chất, đàn bà đứng về phía trật tự... Không có trật tự nào dung được tình yêu to lớn...

Tôi lấy củi chất thêm vào đống lửa. Mưa rất to. Hai chúng tôi ngồi bên đống lửa đến tận sáng bạch. Bạc Kỳ Sinh đã kể cho tôi nghe về tình yêu nồng cháy của y. Y nói về phụ nữ, về cuộc đời, về nhiều thứ khác. Y nói:

- Không ai mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc và đau khổ như Muôn. Ông đã yêu bao giờ chưa? Tình yêu dạy cho ta bước đi của hổ, của báo, cho ta sức mạnh của mãnh thú. Nó dạy cho ta sự giảo hoạt của cáo, của rắn độc...Nó khiến ta nhân đạo hơn hoặc độc ác hơn...Những kẻ hèn hạ không có tình yêu. Tôi dò hỏi Bạc Kỳ Sinh về Muôn. Y nói:

- Cô ta cũng giống như mọi người đàn bà khác. Tôi quá điên rồ, quá nguy hiểm đối với cô ta. Trước sau gì cô ta cũng sẽ trèo qua cửa sổ để về với một môi trường tầm thường hơn nhưng an toàn hơn. Cô ta chết chậm hơn tôi. Nhưng thôi, tất cả những điều tôi nói không có ích gì, sau này rồi ông sẽ hiểu...

Bạc Kỳ Sinh ở với tôi đến trưa hôm sau. Y dứt khoát trả tôi tiền trọ. Món tiền khá lớn, bằng tổng số tiền lương giáo viên của tôi trong nhiều tháng. Tôi và Bạc Kỳ Sinh chia tay nhau. Y nói rằng y sẽ đi Thái Lan ngay hôm ấy. Cả hai không nghĩ rằng rồi sẽ gặp nhau. Tôi cũng không ngờ hai mươi lăm năm sau, tôi đã gặp Bạc Kỳ Sinh trong một hoàn cảnh lạ lùng kỳ dị.

Ít năm sau, tôi có dịp quay lại Mường La. Tôi gặp Lò Vàn Ngân, bấy giờ đã lên chức thiếu tá. Ngôi nhà của Ngân ở ngay cổng chợ Mường La, ngôi nhà thiết kế giống như những ngôi nhà khác ở thành phố, tầng dưới để bán hàng hay để cho thuê văn phòng, tầng trên để ở. Ngân và Muôn lấy nhau, họ có hai đứa con, cả hai đang học Đại học. Tôi gặp Ngân nhưng anh tiếp chuyện tôi dè dặt, thậm chí có phần lạnh lùng. Chúng tôi không nói gì về chuyện cũ.

Lựa dịp thuận tiện, tôi tìm cơ hội để gặp riêng Muôn. Muôn còn rất đẹp. Cô mặc quần áo sang trọng theo lối dân thành phố. Tôi gợi lại chuyện về Bạc Kỳ Sinh thì Muôn thất kinh, hốt hoảng nói:

- Bò hụ...! Ai nhá nhắc lại chuyển cẩu nưa...

(Không biết! Anh chớ nhắc lại chuyện cũ nữa).

Tôi quay lại chợ Mường La. Cũng không khác xưa nhiều lắm: các cô gái Thái, gái Xá...ngồi bán đào, mận, mắc coọc...hái ra từ trong núi, những người đàn ông, đàn bà người H’mông gùi những gùi sa nhân, đẳng sâm, ba kích, nếp tan...ở góc chợ vẫn có ông già người Hoa ngồi xem bói. Không có đám đông nào vây quanh ông già. Tôi đến gần ông già đặt tiền, gieo quẻ và hỏi về số phận của Bạc Kỳ Sinh. Ông già đọc cho tôi nghe một bài thơ chữ Hán:

Ngộ bất ngộ

Phùng bất phùng

Nguyệt trần hải để

Nhân tại mộng trung…

(Gặp như không gặp

Được như không được

Như trăng dưới biển

Người ở trong mộng…)

Tôi thở dài quay đi ngẫm nghĩ. Tôi tự hỏi mình:

- Này số phận! Những gì tạo nên số phận? Điều gì giá trị? Điều gì vô giá trị? Điều gì trên đời này có ý nghĩa nhất cho một con người?

° ° °

Tôi đã gặp Bạc Kỳ Sinh tình cờ khi tôi đến Mỹ mấy năm trước đây. Hôm ấy ở New York, tôi đến một quán cà phê nơi vẫn tụ tập khá nhiều nhà thơ và nghệ sĩ. Ở đấy có một người Việt Nam chơi đàn ghita rất điệu nghệ. Người này hát những bài hát bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Khi nghe một bài hát tôi đã lặng đi không thể tin được. Đấy chính là một phần bài hát tôi từng được nghe ngày nào:

Pò mệ ơi! Bố mẹ ơi...

Pò mệ sinh con từ hang núi.

Nơi ấy có nhiều gió, lạnh lắm

Đêm mưa, nhiều gió lạnh lắm

Ôi tụ do, tình yêu, quê hương

Những con đường chông gai, nhọc nhằn

Con mình trần thân trụi run rẩy

Và sờ soạng trong bóng đêm

Con nhặt được một vật mềm, ướt át

Con sợ hãi, không biết vật gì

Nó phập phồng trong tay con

Đau quá, đau nhói ở đây

Con ngửa mặt lên trời và hỏi:

Đâu tình yêu? Đâu tự do? Đâu quê hương..

Pò mệ ơi...

Pò mệ sinh con từ hang núi...

Người đánh đàn ghi-ta và hát là Bạc Kỳ Sinh. Tối hôm ấy, Bạc Kỳ Sinh đưa tôi về nhà. Đó là một ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng trên gác của một chung cư. Ngôi nhà khá đầy đủ tiện nghi. Bạc Kỳ Sinh thuê ngôi nhà này ở đây và sống độc thân. Sau lần gặp tôi, y sang Thượng Lào, sang Thái Lan rồi tới định cư ở Mỹ. Chúng tôi uống rượu suốt đêm. Bạc Kỳ Sinh hỏi tôi rất nhiều về vùng Tây Bắc Việt Nam. Tôi hỏi Bạc Kỳ Sinh xem có cơ hội trở về Việt Nam hay không. Y buồn bã lắc đầu, chỉ vào ngực mình:

- Tôi không biết. Tôi vẫn thường đau ở trong ngực này...

Y cười, vẫn nụ cười như diễu cợt ai hay giễu cợt mình.

Trên tường nhà Bạc Kỳ Sinh có treo ảnh Muôn. Nước ảnh đã cũ, đã ố vàng nhưng Muôn trông rất đẹp. Tôi không nỡ nói với Bạc Kỳ Sinh là ở Việt Nam, Muôn đang sống hạnh phúc. Bạc Kỳ Sinh ép tôi uống rượu mạnh. Cả tôi và y đều say khướt. Tôi hỏi y thế nào là tình yêu. Bạc Kỳ Sinh bảo:

- Tin tôi đi! Đấy là một hung thần...

Đêm hôm ấy ở New York trời mưa rất to, mưa như ở vùng Tây Bắc Việt Nam, một thứ mưa nhiệt đới dai dẳng, tưởng như không dứt, tưởng như không thôi, tưởng như không bao giờ hết được...