Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
Chữ trinh đáng giá ngàn vàng...
Chữ trinh còn một chút này...
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đuờng...
(Nguyễn Du)
Việc tìm ra ngôi mộ cổ ở vùng lòng hồ trong
khu vực thủy điện sông Đà khiến tôi lại lên Tu Lý, huyện lỵ Đà Bắc. Ông Quách
Ngọc Minh (bạn đọc đã làm quen với ông qua hai truyện ngắn Kiếm sắc và Vàng lửa
của tôi) ngờ rằng ngôi mộ này là của bà Ngô Thị Vinh Hoa sống cách cây gần hai
trăm năm. Truyền thuyết người Mường vùng này kể rằng bà đã lập ra dòng họ
Quách. Hôm dời mộ từ khu vực lòng hồ lên Tu Lý, tôi đã đến xem. Mộ ở vuông đất
hẹp, bằng phẳng, cách bờ sông Đà hai trăm năm mươi mét, ở độ cao mười sáu mét kể
từ mặt sông. Bao nhiêu năm nay chưa bao giờ lũ sông Đà ngập đến chỗ này. Nhìn bề
ngoài, ngôi mộ cổ trông không khác một gò mối lớn. Đào sâu ba mét thấy vỉa gạch.
Người chết táng theo lối xưa, trong quan
ngoài quách. Quan tài làm bằng gỗ quý, ván dày tám phân, dăm gỗ nhỏ, đưa ra
ngoài trời có màu mận chín. Quan tài chạm trổ đơn giản nhưng đẹp mắt. Khi bật nắp
quan tài, thấy có một lớp vải lụa hồng. Dưới lớp vải lụa hồng, là một màng
trong suốt như thạch, hiện lên hình một phụ nữ đẹp rực rỡ, khuôn mặt tươi tỉnh
như người sống, trang phục xiêm y lộng lẫy. Đây là ngôi mộ kết. Tất cả chúng
tôi thảy đều kinh hoàng. Thoắt cái, một làn sương mờ trên quan tài ùn lên phủ
kín xung quanh. Mười phút sau, làn sương tan hết, trong quan tài chỉ còn một bộ
xương đen như mun, lớp vải lụa hồng cũng không thấy nữa. Trong quan tài đầy vụn
chè khô, lẫn ở đấy rất nhiều đồ trang sức quý giá. Ông Quách Ngọc Minh tự tay rửa
sạch từng đốt xương bằng rượu quý và nước thơm, đặt vào vuông vải trắng trong
tiểu sành. Tôi chưa bao giờ chứng kiến lần bốc mộ nào có ấn tượng mạnh như thế.
Con gái ông Quách Ngọc Minh là Quách Thị Trình hỏi tôi có biết gì về người phụ
nữ nằm trong ngôi mộ hay không? Tôi băn khoăn quá. Phải là người mơ mộng và
nghiêm khắc mới hiểu rằng biết hoặc không biết, đều chỉ là những ước lệ mơ hồ,
có tính lịch sử và hạn chế.
Câu chuyện này kể về người phụ nữ nằm trong ngôi mộ ấy.
Ngô Thị Vinh Hoa là con thứ mười của Ngô Khải.
Khải là hậu duệ của Chương Khánh Công Ngô Từ, ngưởi đã sinh ra bà Ngô Thị Ngọc
Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông. Ngô Khải là bậc đại phú, nhà gần chùa Tiên Tích,
chuyên buôn hàng tơ lụa. Nhà Khải kho đụn không khác gì phủ Chúa, đầy tớ vài
trăm người. Khải giao du rộng, chơi với toàn người sang. Con gái họ Ngô đẹp nổi
tiếng Kẻ Chợ, đời này qua đời khác nhiều người được tuyển vào cung. Khải có bảy
người con gái thì sáu người đều là thiếp yêu ở phủ Chúa. Vinh Hoa là con gái
út. Khải rất yêu chiều. Khi đẻ ra Vinh Hoa, trên nóc nhà bỗng có đám mây ngũ sắc
bay đến, tỏa ra ánh sáng rực rỡ, khắp nơi hương thơm ngào ngạt. Trên cổ Vinh
Hoa có bảy tràng hoa quấn cổ, xòe lòng tay ra thấy có viên ngọc...ở trong, trên
khắc hai chữ “thiên mệnh”. Khải dựng tóc gáy, lập bàn thờ tạ trời đất. Có người
bảo rằng: “Trời mượn cửa nhà ông gửi ngọc, liệu mà chăm chút”. Vinh Hoa lớn
lên, hát hay, đàn giỏi, đẹp lồ lộ nói câu nào thiêng câu ấy. Khải rất sợ. Tỉ
như trời nắng chang chang, nàng buột miệng “ngày kia trời mưa”, quả nhiên ngày
kia mưa thật. Tỉ như có người đi qua, nàng bảo “mai ông này chết”, quả nhiên
người ấy không ốm đau bệnh tật gì hôm sau lăn ra chết. Trai gái lấy nhau thường
dắt đến trước mặt nàng nhờ xem, nàng gật đầu là lấy được, nàng lắc đầu thì chịu,
ba đầu sáu tay gì lễ cưới cũng không thành.
Nhà Ngô Khảỉ có cửa hàng tơ lụa gần Hồ
Gươm. Khi nào Vinh Hoa trông hàng, khách vào mua đông như hội. Ai trót tham, do
vải thừa, trả tiền thiếu, khi về nhà nếu không bị chó cắn thì nhà cháy, đại để
thế, tai họa không lường được. ở Kẻ Chợ có câu ca:
Biết điều thì tránh Vinh Hoa
Quịt năm cắc bạc mất nhà như chơi.
Năm Kỷ Dậu (1789) Quang Trung Nguyễn Huệ
kéo quân ra Bắc diệt Mãn Thanh xong, tìm cách an dân. Nghe theo lời Trần Văn Kỷ,
nhà vua cho mời cơm các nhà danh giá thế phiệt trong thành, Khải cũng được mời.
Khi thiếp mời đưa đẹn nhà Khải, Khải cho gọi
người quản lý tên là Sâm đến bàn. Khải nói:. “Ta không đi không được, Quang
Trung là bậc anh tài, hào hùng lắm. Ta ăn lộc nhà Lê, nhưng cũng không bỏ lộc
nhà Trịnh, gì thì gì cũng mang tiếng cơ hội. Bây giờ Quang. Trung mời đến, nên
cư xử thế nào cho “phải” Sâm nói: “Đại nhân chớ băn khoăn về chuyện cơ hội hay
không cơ hội. Điều ấy vô nghĩa. Có điều Quang Trung đang thịnh, lẽ đời là phải
phù thịnh, đại nhân cứ thế mà làm. Ta không phù Quang Trung, sợ cơ ngơi này khó
bảo toàn, lấy ai tiếp nối? Lính Tây Sơn chỉ cho mồi lửa, vu cho tàn quân Tôn Sĩ
Nghị là xong, lúc đó ta biết kêu ai? Không nói gì đến đại nhân bị hại, bọn Sâm
này cũng mất niêu cơm”. Khải cười: “Mày ranh ma lắm. Ta nghe mày”. Nói đoạn bảo
Sâm chuẩn bị lễ vật đi dự tiệc.
Sâm là tên đểu cáng, xuất thân lái trâu, từ
lâu có ý hại chủ. Chuẩn bị lễ vật cho Khải, Sâm cho vào rương hòm toàn những đồ
vàng bạc giả còn vải lụa quý thì cho cắt vụn ra từng đoạn ngắn. Khải không biết
gì, cứ thế cho đầy tớ mang vào cung.
Bữa tiệc của vua Quang Trung có đủ mặt mấy
trăm gia đình giàu có ở Kẻ Chợ. Khải ngồi chiếu trên cùng. Vua Quang Trung nói:
“Ta xuất thân áo vải cờ đào, vì nước xả thân, dẹp yên bốn cõi. Thời chiến ta lấy
kẻ có sức lực làm điểm tựa, thời bình ta lấy kẻ có trí lực làm điểm tựa. Nay
các ông đến đây, đều là những người có của, tức là những người có trí lực cả;
ta cho ăn cho uống, xin các ông vì ta mà mở mang công nghệ, bán buôn, làm cho
nước giàu dân mạnh”. Bọn Khải lạy tạ, ai cũng vui vẻ hứa sẽ vi nước mà làm giầu.
Ăn uống xong, nhân vui vẻ, vua Quang Trung
hỏi thức ăn có vừa miệng không, Khải đang say, dại miệng nói rằng: “Ngon thì
ngon nhưng chưa biết nấu, hơi ghê ghê, có vị lợm”. Nhà vua cười nhạt, không nói
năng gì. Khách dự tiệc lần lượt cho dâng vào các lễ vật mừng, đủ đồ ngọc ngà
châu báu; sơn hào hải vị rất lạ. Vua Quang Trung đứng xem, trầm trồ thán phục.
Đến lượt Khải, Khải cho đầy tớ khênh vào ba cái rương to, mở ra thấy đồ vàng bạc
toàn đồ giả, vải lụa bị cắt ra từng mảnh vụn nhỏ. Khải thất sắc, mọi người có mặt
thảy kinh hoàng. Vua Quang Trung giận lắm, mắng rằng: “Thằng Khải kia, tài bằng
cái đấu, khinh ta quá chừng! Trời cho mày sống, cướp không biết bao nhiêu lộc
thiên hạ, ăn miếng ngon không biết đậy mồm, còn chê là lợm. May nhờ phúc tổ, có
ít của chìm, như cái đuôi khô, tháng ba ngày tám mang ra gặm tưởng xênh xang
ư?”
Khải về nhà, căm tức tên Sâm lắm. Tên Sâm
đã bỏ trốn. Đang hoang mang thì đà thấy tướng của Tây Sơn là Đặng Tiến Đông
mang quân đến vây, bắt tịch biên gia sản. Khải khóc lóc kêu oan nhưng không sao
được. Vinh Hoa từ trong lầu chạy ra, rẽ đám lính Tây Sơn, quỳ trước mặt Đặng Tiến
Đông lạy rằng: “Tướng quân tha cho, việc này ở tên đầy tớ khốn nạn. Thân phụ
thiếp hồn nhiên, lỡ phạm đến uy trời. Tướng quân vì thiếp mà xét phải trái, sao
chỉ vì một gã buôn trâu mà gây oán hận?” Đặng Tiến Đông thấy Vinh Hoa xinh đẹp
lạ lùng đánh rơi cả kiếm. Là người có học, Đông biết anh hùng và mỹ nhân ở đời
đều hiếm, nông nổi phạm đến có tội với trời. Đông bảo rằng: “Tội của cha nàng
đáng chết nhưng quyền tha không phải quyền ta. Nàng muốn giải tội cho cha, phải
vào cung mà tâu bày”. Nói rồi Đông quay ra cho lính bao vây dinh thự nhà Khải,
còn tự mình dẫn kiệu Vinh Hoa vào cung.
Đặng Tiến Đông vào cung, tâu bày sự việc với
vua Quang Trung. Nhà vua thấy Vinh Hoa, thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi
cốc rượu quý cầm tay. Vinh Hoa nói năng rành rẽ, đâu vào đấy, nhà vua thích lắm.
Nhà vua hỏi gì, nàng trả lời điều ấy, nói thông cả buổi, kim cổ đông tây đủ cả.
Bọn Trần Văn Kỷ ngồi nghe toát cả mồ hôi. Nhà vua bảo Vinh Hoa hát. Nàng gẩy
đàn hát:
Mây ngũ sắc ứng điềm lành
Con Tạo xoay vần
Ai biết gặp nhau ở đâu
Mộng tưởng hão huyền
Muôn dặm đường trường
Khi cưỡi voi giục trống đánh thành.
Có nhớ ngày xưa...
Đom đóm lập lòe ở góc vườn không.
Có nhớ mẹ ta cậy nanh ở miệng không.
Mối sầu của ta chỉ có mặt trăng biết
Ngồi trên ngai cao còn biết sợ ai..
Ngọc tỷ cầm trên tay lo việc nước
Biết lo là được, còn thành bại ở trời
ở nơi người
Người ngoan không nên...
biện bạch có quỷ thần hay không có quỷ thần
Hay nhìn từng giọt đồng hồ rơi mà run sợ.
Tiếng đàn có khí lạnh, mọi người không ai
dám thở. Vua Quang Trung hỏi nhỏ: “Vận Tây Sơn được mấy đời? “ Vinh Hoa bảo:
“Sao không hỏi được bao nhiêu ngày”.
Vua Quang Trung giữ Vinh Hoa lại trong
cung, rồi sai Đặng Tiến Đông rút quân khỏi nhà Khải. Khi Đông đến nhà Khải thì
Khải hổ thẹn đã treo cổ tự tử. Vua Quang Trung thương xót, hối lại thì đã muộn.
Nhà vua đang đêm xõa tóc, đi chân đất, vừa đi vừa vấp, chạy vào báo cho Vinh
Hoa việc Khải mất. Vinh Hoa lập bàn thờ ngay trong cung, thắp hương, tạ vong
linh Khải rồi bảo: “Bệ hạ khỏi bận lòng. Phận nào phận ấy. Trời chỉ nhờ cửa
sinh, có ai giữ được bố mẹ sống một nghìn năm? Bệ hạ có thương, cho mở kho lấy
một đấu vàng để trả đạo hiếu”. Nhà vua gật đầu. Khi đi ra gặp Trần Văn Kỷ, nhà
vua bảo: Ta nóng nảy đã đành, ta có lý của ta. Còn cái lũ nhà giàu khốn nạn, chỉ
biết mỗi thân mình, Khải bị hạn, sao không có đứa nào đứng ra kêu hộ một tiếng?”
Trần Văn Kỷ tâu: “Bệ hạ không hiểu bọn nhà giàu, chúng có thương xót ai bao giờ?
Ta có câu: Có độc mới đủ, có phũ như chó mới giàu!...” Nhà vua lại hỏi: “Khải
khôn khéo thế, bình sinh cẩn thận, sao sơ suất đến nỗi bị tên đầy tớ kia lừa?”
Trần Văn Kỷ tâu: “Đời người ta có vận hạn, Khải không sợ trời, tính ích kỷ,
giàu có mà đóng cửa ăn một mình; không biết giúp ai, không biết làm điều phúc,
điều thiện, không biết chia lộc cho thiên hạ, trông thấy người hiền ngoảnh mặt
đi; khi hạn đến, tránh sao kịp được? Nói chi đến mưu thằng buôn trâu, có khi chỉ
vì con ruồi cũng làm tan nghiệp” Nhà vua gật đầu, cho làm ma Khải rất hậu rồi lệnh
truy nã tên Sâm.
Vinh Hoa ở trong cung, vua Quang Trung rất
ân cần, thương xót. Từ quan tới lính, không ai không nể vì. Nàng ăn nói khoan
hòa, cư xử thông minh, lịch lãm, bọn Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Đặng Tiến Đông,
Vũ Văn Dũng, Trần Văn Kỷ... ai cũng quý trọng nàng. Nhiều việc triều chính nàng
tham dự, mọi ý kiến luận bàn của nàng vua Quang Trung hết sức thán phục, làm gì
cũng thành. Cũng có khi nàng múa hát cho mọi người xem. Vua Quang Trung nói:
“Ta được Vinh Hoa như được báu vật, một Vinh Hoa bằng ba vạn người”.
Tuy vua Quang Trung đối xử ân cần, hết lòng
yêu thương chiều chuộng, song Vinh Hoa vẫn một mực không cho nhà vua thành
thân. Mỗi khi nhà vua ngỏ ý, nàng đều khéo léo chối từ. Nhà vua rất lấy làm buồn.
Tuy hàng ngày gặp nhau nhưng nhà vua vẫn không sao gần gụi được.
Ổn định xong Bắc Hà, vua Quang Trung giao
việc triều chính cho bọn Ngô Văn Sở rồi kéo quân về Phú Xuân, đưa cả Vinh Hoa
theo. Ít lâu sau nhà vua bỗng mất đột ngột. Khi lâm chung, có Vinh Hoa đứng hầu
bên giường, nhà vua nhìn mãi Vinh Hoa mà không nhắm mắt. Cả triều đình thương cảm.
Con trai nhà vua là Nguyễn Quang Toản vuốt mắt cho cha nhưng hễ buông tay ra mắt
nhà vua lại mở trừng trừng. Đến cả Hoàng hậu Ngọc Hân cũng thế. Sau Vinh Hoa phải
lấy ngón tay út của mình đặt lên hai mi mắt nhà vua thì mắt nhà vua mới nhắm lại
được. Sau đấy, chỗ ngón tay út của Vinh Hoa đen như chàm, rửa thế nào cũng
không sạch.
Từ khi vua Quang Trung mất, nội bộ Tây Sơn
rối ren, Nguyễn Quang Toản kéo quân vào Quy Nhơn đánh bác ruột mình là. Nguyễn
Nhạc. Bọn tướng của Tây Sơn là Vũ Văn Dũng đánh nhau, chia năm xẻ bảy cơ nghiệp.
Năm Tân Dậu (1810), vua Gia Long Nguyễn Phúc ánh chiếm Phú Xuân Nguyễn Quang Toản
chạy ra Bắc, triều Tây Sơn sụp đổ.
Khi chiếm Phú Xuân, tướng của Gia Long là
Vũ Văn Toàn vào trước, kéo quân thẳng vào hậu cung, cướp được nhiều cung tần mỹ
nữ, cướp được cả Ngô Thị Vinh Hoa. Quân hồi vô phèng, Toàn hốt rất nhiều vàng bạc.
Toàn vốn xuất thân quản tượng, theo vua Gia Long nhưng thâm tâm có ý không phục.
Khi vua Gia Long vào thành an dân, kiểm kê kho đụn Tây Sơn, thấy chẳng còn bao
nhiêu. Nhà vua hỏi Toàn: “Của cải trong kho, không có cánh mà bay à?” Toàn tâu:
“Từ khi Nguyễn Huệ chết, Tây Sơn làm gì có của, chỉ có chuột”. Nhà vua hỏi:
“Phi tần không còn ai ư?” Toàn tâu: “Đàn bà trơn mà nhanh như rắn, động ổ là
chuồn, biết đâu mà lần?” Nhà vua nín lặng, không nói năng gì.
Ít bữa sau, có người mật báo với vua Gia
Long nhà Toàn chứa đầy gái đẹp với đồ vàng bạc. Nhà vua giận lắm, đang đêm đến
vây nhà Toàn, thấy Toàn đang ngủ trên giường bèn trói nghiến lại.
Tướng của vua Gia Long là Nguyễn Văn Thành
soi đuốc dẫn nhà vua đi xem xét, quả nhiên thấy đúng như lời mật báo. Nhà vua gọi
Toàn ra mắng: “Thằng khốn nạn theo voi ăn bã mía kia, đểu cáng chừng nào. Mày
mượn danh ta để đi ăn cướp với chơi gái à?” Toàn lạy van: “Bệ hạ tha cho. Toàn
theo bệ hạ từ thuở hàn vi, nằm gai nếm mật đắng cay. Nay nghiệp đã thành, muốn
hưởng lạc riêng, thế gọi là trả giá đời sống”. Nhà vua cười nhạt: “Mày tưởng
công mày to ư? Mày ở gần ta mà không biết ta. Mày kể công với ta làm gì? Mày chỉ
dự vào trò chơi của ta. Trò chơi nào chẳng vô công? Mày phạm luật thì mày chịu.
Đừng trách ta ác”. Toàn lại lạy van: “Bệ hạ! Bệ hạ! Bệ hạ nói gì vậy? Đẩy vạn
con người vào cuộc binh đao là trò chơi sao? “ Nhà vua bảo: “Binh đao là trò
chơi của trời. Sao mày lại hỏi ta? Ta chơi trò khác, chơi trò đế vương!” Toàn lại
lạy van: “Bệ hạ thương tình! Vàng bạc trả lại bệ hạ! Phi tần trả lại bệ hạ! Chỉ
xin bệ hạ ban cho Ngô Thị Vinh Hoa” Nhà vua nổi giận: “Thằng mặt xanh kia! Kề
miệng lỗ còn dê ư? Ta cho cắt dái mày! Ta cho mày ăn cứt”. Nhà vua vào phòng
Ngô Thị Vinh Hoa. Mở cửa ra, thấy Vinh Hoa bị trói, trên người không có mảnh vải
che. Gia nhân thưa rằng Toàn muốn làm nhục Vinh Hoa nhưng nàng không chịu, nhà
vua rất thương xót. Nhà vua đến gần, thấy Vinh Hoa đẹp quá, bỗng nhiên xây xẩm mặt
mày. Nhà vua thở dài, ngã quay ra đất, ngất lịm đi.
Vinh Hoa ở trong cung được nhà vua hết sức
vêu chiều. Dần dần nàng hồi tâm lại, đẹp mơn mởn y như lộc mùa xuân. Biết Vinh
Hoa có tài múa hát, lại có tài đoán định việc trước sau, nhà vua thích lắm, muốn
lấy làm vợ. Nguyễn Văn Thành can: “Bệ hạ! Bệ hạ! Vinh Hoa ở với Nguyễn Huệ bao
năm mà Huệ không dám đụng vào thân thể. Thần xin bệ hạ giữ lấy mình rồng! “ Nhà
vua bảo: “Thế là Huệ dại, Huệ trọng tinh thần mà bỉ thể xác”. Thành hỏi: “Bệ hạ
muốn dùng Vinh Hoa ở phần tinh thần hay phần thể xác?” Nhà vua bảo: “Làm đến đại
tướng còn ngu. Bậc đế vương giữ nước là ở tinh thần, còn giữ mình là ở thể
xác”. Thành lắc đầu rồi lui ra.
Vua Gia Long vào cung, tìm Ngô Thị Vinh
Hoa, nhà vua bảo nàng. “Ta muốn sở hữu nàng như nuôi con gà, con vịt trong nhà.
Vinh Hoa tâu: “Bệ hạ muốn làm vua gà, vua vịt hay sao? “ Nhà vua thở dài: “Sứ mệnh
đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê
tiện”.
Vinh Hoa tâu: “Ai cũng phải thế”. Nói rồi
nàng ôm đàn hát:
Nước có còn không
Nước có mạnh không
Thiên tử là cái gốc lớn thiên hạ
Cây cao, bóng cả
Trùm lên muôn dân
Gió mây có biến hóa
Ghi nhớ trong tâm trường
Nhắc ai tự chủ trương
Giữ chữ “thường”
Chính đạo thuần vương
Nhà vua nghe tiếng đàn, mơ màng, gục đầu xuống
bàn ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, nhà vua không thấy Vinh Hoa đâu nữa, chỉ thấy
trên bàn có ghi mấy chữ:
Thời lai phong tống tạ Đà giang
(Thời vận đến, gió đưa lại phía sông Đà)
Nhà vua sai tìm Vinh Hoa khắp nơi nhưng
không thấy. ít lâu sau, ở vùng huyện lỵ Đà Bắc (thuộc phủ Hưng Hóa), người ta vớt
được một xác phụ nữ quý tộc trôi trên sông, trên tay có bế một đứa bé con còn sống.
Quan sở tại báo việc này về triều đình. Vua Gia Long cho người lên xem xét, nhận
ra người chết giống hệt Ngô Thị Vinh Hoa. Nhà vua cho làm ma nàng rất hậu, bắt
lập miếu thờ. Đứa bé con được những người dân Mường ở đây đón về nuôi. Trong miếu
thờ có đôi câu đối của nhà vua ban, ghi rằng:
Sự nhị quân, vĩnh thủ trinh tâm
Lưu vạn cổ, bảo tồn phẩm tiết.
(Thờ hai vua, vẫn giữ lòng trinh
Lưu muôn thuở, còn nguyên phẩm tiết)
(Hết truyện ngắn)
Ghi chú:
Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết
Bộ ba truyện ngắn lịch sử liên hoàn này viết trong thời kỳ báo Văn nghệ sôi động nhất (khoảng 1988) với vị Tổng biên tập báo trứ danh là nhà văn Nguyên Ngọc. Đáng lẽ ra sẽ còn có vài ba truyện ngắn liên hoàn kiểu này nữa nếu như nhà văn Nguyên Ngọc không bị cách chức. Truyện thứ 4 đã được viết xong kể về đứa con của Đặng Phú Lân và Ngô Thị Vinh Hoa. Bản thảo bị đốt đi vào năm 1991.
* * *
Về truyện ngắn Phẩm tiết
Phẩm tiết tạo ra thế đối lập kép mà nhân vật
nữ Vinh Hoa vừa là nhân vật có chức năng bảo tồn, duy trì phẩm giá vừa là điều
kiện xác lập những đối kháng. Vinh Hoa chính là biểu tượng của cái đẹp, cái thiện,
sự thanh khiết, và với lớp ý nghĩa này nhân vật trở thành nhân vật không hành động,
chỉ là một tiêu chí, một phẩm chất nhằm xác lập một đối lập khác. Tuy nhiên, nếu
đặt Vinh Hoa trong diễn tiến số phận của một con người, một đối tượng ngang
hàng với những lực lượng khác, nhân vật nữ này cũng là một nhân vật hành động,
tạo ra những biến cố trong sự phát triển cốt truyện. Ở đây, chúng tôi xác lập
mô hình tự sự theo kiểu thứ hai, tức là khảo sát các biến cố trong cuộc đời
Vinh Hoa: Vinh Hoa - Quang Trung; Vinh Hoa - Gia Long; và sự khác biệt trong
cách cư xử với cái đẹp của Quang Trung - Gia Long.
Thực ra trong Phẩm tiết, Vinh Hoa chủ yếu
là nhân vật mang chức năng lưu giữ, bảo tồn. Số phận của nhân vật khá ngẫu
nhiên và kỳ lạ. Từ một dân nữ bình thường mang theo những tiền định huyền hoặc
bước chân vào chốn cao sang, Vinh Hoa thoát ra khỏi tất cả mọi sự ràng buộc,
nàng không thuộc về ai. Đây là môtip khá quen thuộc trong tác phẩm của Nguyễn
Huy Thiệp khi nhân vật nữ luôn là biểu trưng của cái đẹp, “tín sứ” và cái thiện.
Đủ bản lĩnh và phẩm chất làm những việc mà
không ai có thể làm, tội chết của người cha là ranh giới buộc Vinh Hoa phải bước
vào một không gian khác. Tuy nhiên, ở trong môi trường mới này, hành động trân
trọng vẻ đẹp và tôn trọng ý muốn của Vinh Hoa của vua Quang Trung vô tình đồng
loã với sự khác người của nàng, tạo ra môi trường phù hợp với tính cách và phẩm
chất của nhân vật. Mọi hành động của
Vinh Hoa đều không gặp bất cứ cản trở nào. Cái chết của Quang Trung chính là
ranh giới khép lại một không gian lưu giữ và nuông chiều phẩm giá của cái đẹp.
Từ khi vua Quang Trung mất, nội bộ Tây Sơn rối ren. Gia Long vào thành Thăng
Long. Vinh Hoa rơi vào tay viên tướng của Gia Long và được cứu khỏi chốn thô tục,
được yêu chiều trong cung vua. Hãy làm một phép so sánh đơn giản về giây phút gặp
Vinh Hoa của cả hai ông vua. Cả hai đều biết đánh giá cái đẹp. Tuy nhiên cách
cư xử với cái đẹp lại hoàn toàn khác nhau.
Vua Quang Trung “rùng mình, hoa mắt, đánh
rơi cốc rượu quý cầm tay…”, cho rằng: “được Vinh Hoa như được báu vật, một Vinh
Hoa bằng ba vạn người”; Còn đối với Gia Long, vẻ đẹp của Vinh Hoa được cảm nhận
trong không khí đầy nhục cảm, nó báo hiệu hành động tiếp theo của vua Gia Long
là muốn sở hữu nàng “như nuôi con gà, con vịt trong nhà”. Trong một không gian
đối lập với các giá trị đã được thừa nhận và lộ diện, hành động của Gia Long
chính là vật cản, là ranh giới buộc Vinh Hoa phải bước qua để bảo tồn phẩm tiết.
Như chúng ta đã biết, truyện ngắn Phẩm tiết
của Nguyễn Huy Thiệp đúng là có nhiều điều đáng bàn. Ngay từ những dòng đầu
tiên, thông thường thì nhiều người có thể lấy lời đề từ nhưng nhà văn này đã
trích dẫn 3 câu lấy trong Truyện Kiều của Nguyễn Du như:
“Chữ trinh đáng giá ngàn vàng...
Chữ trinh còn một chút này....
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường...”
Và từ đó kéo theo là cả một câu truyện có
thể nói là “tưởng tượng” của Nguyễn Huy Thiệp. Việc tìm ra ngôi mộ cổ ở vùng
lòng hồ trong khu vực thủy điện sông Đà.... có lẽ theo nhà văn thì nó có quá
nhiều điều bí ẩn và chính nhà văn đã viết:
“Tôi băn khoăn quá, phải là người mơ mộng
và nghiêm khắc mới hiểu rằng biết hoặc không biết đều chỉ là ước lệ mơ hồ, có
tính lịch sử hạn chế”. Câu chuyện Phẩm tiết chính là kể về người phụ nữ nằm
trong ngôi mộ cổ ấy. Dưới con mắt của Nguyễn Huy Thiệp thì “cái xác ướp” có tên
là Ngô Thị Vinh Hoa ấy, khi mới sinh ra đã có tài “Tri thiên mệnh” (biết mệnh
trời). Khi lớn lên thì cái tài tri thiên mệnh đó làm cho người cha của cô cũng
rất sợ: “Khải rất sợ”. Bởi vì Vinh Hoa lớn lên nói câu nào thiêng câu ấy. Tỉ như
trời nắng chang chang, nàng buột miệng ngày kia trời mưa, quả nhiên ngày kia trời
mưa thật. Tỉ nhiên có người đi qua, nàng bảo mai ông này chết, quả nhiên người ấy
không ốm đau bệnh tật gì hôm sau lăn ra chết...
(Vương Quốc Hoa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét